Những ai từng đặt chân đến miền sông nước Tây Nam Bộ đều ấn tượng sâu sắc với vẻ đẹp mộc mạc, chân chất, không hề phô trương, hoa mỹ của cảnh vật và con người nơi đây.
Sông nước miền Tây Nam Bộ là một nét đặc trưng độc đáo mà ít nơi nào có được. Nếu ghé thăm thành phố Châu Đốc (An Giang), bạn sẽ không khỏi bâng khuâng khi ngắm nhìn làng nổi cá bè Châu Đốc trên sông Hậu. Những ngôi nhà đơn sơ lấp lánh trên dòng sông quê hương.
Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là nơi tập trung buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, từ lúc tờ mờ sáng và đến khoảng 8-9h thì vãn. Khách tham quan nên đi vào khoảng 7-8h vì đó là lúc chợ đông đúc và nhộn nhịp nhất.
Đến với chợ nổi, du khách có thể mua được đủ loại trái cây tươi ngon.
Các xuồng bán phở, hủ tiếu, cà phê (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan. Thưởng thức tô hủ tiếu ngay giữa vùng sông nước là một trải nghiệm mới lạ và thú vị.
Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách có thể quan sát, tìm hiểu nét sinh hoạt của nhiều gia đình thương hồ với nhiều thế hệ chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như căn hộ di động trên sông nước. Ảnh: Trần Thanh Duy.
Bà con nhà vườn trồng quýt ở Lai Vung (Đồng Tháp) vào mùa thu hoạch. Một khu vườn rộng lớn xanh um, nổi bật với những trái quýt to vàng óng và nặng cong trĩu cành. Ảnh: Bùi Quang Vũ.
Những người nông dân đi thu hoạch hoa súng ở Châu Đốc (An Giang). Cuộc sống mưu sinh tần tảo một nắng hai sương hàng ngày là một trong những nét đẹp của người dân vùng Tây Nam Bộ. Dù vất vả, họ vẫn mỉm cười, tìm kiếm niềm vui trong lao động.
Một người nông dân ở làng Mỹ Lồng (thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đang sản xuất loại bánh tráng đặc sản của nơi đây. Người dân địa phương tiết lộ chất lượng bánh tráng Mỹ Lồng cao hơn các vùng khác vì gạo mềm đặc biệt và dừa chất lượng cao, chỉ có thể tìm thấy trong khu vực.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu là nhà máy điện gió đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long và thứ 2 cả nước, là bước đi tiên phong của tỉnh. Như một biểu tượng phát triển, nhà máy điện gió Bạc Liêu không những thể hiện tầm vóc địa phương mà còn thể hiện sự năng động, sáng tạo, biết tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển của miền Tây Nam Bộ.
Cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Khi hoàn thành, cầu Cao Lãnh sẽ kết nối mạng lưới giao thông khu vực phía tây đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo giao thông liên tục, tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Dấu ấn Việt Nam” trong văn hóa cũng thể hiện rõ nét ở miền Tây Nam Bộ. Đua bò Bảy Núi ở An Giang là một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, mang đậm bản sắc văn hóa dân gian, được tổ chức trong dịp lễ Đôn-ta.
Ngoài ra, Tây Nam Bộ còn sở hữu những điểm du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách, điển hình là đảo Nam Du (Kiên Giang) – nơi thiên nhiên còn rất hoang sơ, thanh bình, nước biển xanh ngắt tuyệt đẹp.
Có thể các bạn quan tâm tới:
Top những Cảnh đẹp miền bắc Việt Nam