Kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy an toàn

Đi phượt bằng xe máy là những trải nghiệm được nhiều người trẻ ưa thích. Tuy nhiên việc thiếu sự chuẩn bị và kỹ năng chạy xe dễ dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Dưới đây là những kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy bạn nên lưu ý:

Kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy nên chuẩn bị những gì?

Những bước chuẩn bị cơ bản

Kinh nghiệm đi phượt bằng xe máy an toàn

Nên lựa chọn loại xe phù hợp với địa hình mà các bạn muốn đến. Kiểm tra kỹ chiếc xe của mình là điều rất cần thiết như lốp, sên nhông dĩa, bạc đạn… Xe cần được trang bị đầy đủ kính chiếu hậu, đèn chiếu sáng. Nếu có điều kiện, bạn nên gắn thêm led trợ sáng cho xe của mình.

Bên cạnh đó việc đảm bảo an toàn cho bản thân là ưu tiên hàng đầu, nên chọn loại nón bảo hiểm phù hợp và an toàn tối đa, không nên sử dụng loại nón bảo hiểm thời trang. Lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với điều kiện lái xe, tốt hơn nên có giáp bảo hộ.

Kiểm tra, bảo dưỡng xe

Trước khi lên đường, bạn cần kiểm tra kỹ lốp xe để đảm bảo lốp còn độ bám tốt; lắp đủ hai gương xe, kiểm tra kỹ hệ thống còi, đèn pha, ắc quy, xi nhan, đèn chiếu hậu, bugi… nếu có những dấu hiệu bất thường nào thì bạn nên mang đến các trung tâm bảo dưỡng xe máy.

Sẵn sàng túi đồ sửa xe, vá xe

Hãy để trong cốp xe một số dụng cụ và thiết bị để vá và sửa chữa xe, bơm xe trong trường hợp đi đường xe bạn có thể bị xịt lốp bất cứ lúc nào; hãy chuẩn bị cả vòi cao su nhỏ và thêm bình nước loại 1,5 lít phòng trường hợp cần hút xăng giữa các xe, hoặc mua xăng khẩn cấp.

Mang theo khóa dự phòng

Thật rắc rối khi không may bạn làm mất chìa khóa xe, do vậy bạn nên mang theo một chiếc nữa để đảm bảo trong trường hợp mất một thì còn có chiếc chìa khóa khác dự phòng.

Đeo găng tay

Đeo găng tay không chỉ để tránh nắng mà người lái cũng sẽ đỡ mỏi tay hơn nhiều. Do đó, bạn nên đeo chọn mua loại găng tay có chất lượng tốt, thoáng, tuy nhiên không quá dày để tránh bị cộm tay và nóng.

Kinh nghiệm chạy xe

–  Nếu đi theo đoàn, bạn nên đi theo hàng một và tuân thủ chỉ dẫn của người trưởng đoàn.

– Đi đúng tốc độ cho phép trong khu vực đông dân cư, thường là 50 km/h.

– Giữ khoảng cách nhất định với các xe phía trước theo công thức “vận tốc chia đôi”. Ví dụ, bạn chạy với tốc độ 50 km/h thì khoảng cách an toàn là 25 m.

– Giảm ga, về số thấp khi xuống đoạn đèo dốc dài.

– Không vượt ôtô những đoạn cua, khuất tầm nhìn.

– Nếu vượt ôtô ở những đoạn đủ điều kiện, hãy vượt bên trái, bật xi nhan, thốc ga, vượt dứt khoát, tránh chạy song song với ô tô. Đặc biệt là các xe tải, xe container có xu hướng “hút” xe bạn nếu bạn chạy song song.

– Giảm tốc độ khi vào cua, đặc biệt chú ý những đoạn cua có đá dăm, cát… dễ bị trượt bánh, ngã.

– Chằng buộc kỹ đồ đạc sau xe. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp rơi đồ dọc đường do không buộc đồ chắc.

– Khi chạy xe đường đèo, đường nhiều góc cua, bạn nên phóng tầm mắt ra xa, nhìn bao quát để lường trước những chướng ngại vật, xe đang tiến về phía mình.

– Nên nghỉ ngơi sau mỗi 1-2 giờ chạy xe, hoặc sau 70-100 km tùy tổng quãng đường dài ngắn của ngày hôm đó. Đây cũng là lúc chiếc xe được nghỉ ngơi sau quãng đường căng thẳng. Có thể nghỉ tại các cây xăng ven đường (cây xăng thường có khu vệ sinh).

– Tắt đèn pha chiếu xa (gây chói mắt) khi gặp người đi đường chiều ngược lại.

– Bấm còi trước chỗ cua khuất tầm nhìn.