Khám phá thành cổ Sơn Tây – thành đá ong duy nhất Việt Nam

Thành cổ Sơn Tây luôn nổi tiếng là khu di tích lịch sử đẹp, là nơi xây toàn bộ bằng đá ong tại Việt Nam. Nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút rất nhiều khách du lịch đến khám phá trải nghiệm.

1.Nguồn gốc lịch sử Thành cổ sơn tây

Thành cổ Sơn Tây là một dấu ấn còn sót lại của lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm thời cha ông ta. Được xây dựng vào đời vua Minh Mạng lần thứ 3 năm 1822, Thành cổ Sơn Tây là chứng tích lịch sử đầu tiên và duy nhất được xây bằng đá ong với tổng diên tích 16 hecta rộng lớn. Thành vốn là thủ phủ của vùng Tam tuyên gồm ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang thời nhà Nguyễn

Khám phá thành cổ Sơn Tây - thành đá ong duy nhất Việt Nam

Giữa kháng chiến chống Pháp đầy cam go và khắc nghiệt, thành bị thất thủ vào ngày 16 tháng 12 năm 1883. Đến khi kháng chiến kết thúc, dân tộc ta giành được độc lập tự do, Thành cổ Sơn Tây là địa điểm thường xuyên tổ chức cuộc họp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1994, thành cổ được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc Việt Nam.

Đến tận bây giờ, tòa thành vẫn được coi là một khu di tích lịch sử mang tính quân sự đẹp nhất còn sót lại trong những năm kháng chiến.

2. Lối kiến trúc thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây là tòa thành quân sự được xây bằng đá ong (là loại vật liệu xây dựng đặc thù của vùng Sơn Tây), có tổng thể hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 400m, cao 5m, được xây theo kiểu Vauban – kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp.
Thành có hình tứ giác, có mặt cắt hình thang, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m, có nhiều lỗ ở phía trên để cho quân lính nấp phía trong bắn súng ra ngoài hoặc dùng giáo mác có cán dài đâm đối phương khi chúng trèo lên tường thành.
Thành có bốn cổng chính: chính Nam gọi là cổng Tiền; chính Bắc là cổng Hậu; chính Đông và chính Tây.
Mỗi cổng ở phía trên đều có lầu canh và chỉ có một lối ra vào; phía ngoài có đắp Dương mã thành hình chóp nón chắn phía ngoài của thành. 
Trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, phía ngoài cổng có bức bình phong xây bằng gạch, trên có đắp nổi hình “long vân khánh hội” (rồng mây gặp hội). Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra kì đài cao khoảng 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong.
Về phía Tây có Võ miếu, là nơi thờ cúng những người đã hi sinh trong khi chiến đấu bảo vệ thành. Ở bốn góc thành có bốn giếng nước to hình vuông, sâu khoảng 6m và có cả bậc xây bằng đá ong xuống tận đáy. Cạnh đó là dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh. Về phía Đông có khu trại giam, kho lương và nơi ở của vợ con binh lính đồn trú trong thành.
Khách du lịch đến với nơi này sẽ cảm nhận những điều thú vị, tận hưởng bầu không khí cổ xưa. Bốn mùa đều có cảnh đẹp trong lành xanh mát với những bờ cỏ xanh tươi, mùa xuân có hàng cây cơm nguội thay lá mới, hoa gạo nở đỏ rực cả góc trời, mùa hè rực lửa với từng chùm phượng đỏ thắm, mùa thu với những hàng cây bồ kết tỏa sắc vàng.
Mặc dù năm tháng cứ qua  đi nhưng thời gian không làm mất được dấu tích lịch sử. Thành cổ sơn tây vẫn còn đó dù không còn trọn vẹn nhưng vẫn oai phong, cổ kính, thể hiện uy thế một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.