Kinh nghiệm chọn túi ngủ cho dân phượt đi dã ngoại

 Bạn đã bao giờ phải vác chăn (mền) để đi phượt hoặc du lịch chưa? Nếu bạn đã từng rồi thì chắc chắn sẽ hiểu lý do vì sao túi ngủ lại rất cần thiết cho dân đi Phượt như vậy. Dưới đây là kinh nghiệm chọn túi ngủ cho dân phượt:

Chọn kiểu dáng túi ngủ

Túi ngủ chữ nhật không nón: Là dạng túi ngủ hình chữ nhật, không có phần nón ôm đầu, thay vào đó chiều dài túi ngủ sẽ vừa cho cả cơ thể. Loại túi ngủ này điểm mạnh là sự đơn giản, cơ động và rộng rãi, khi mở bung ra thì sẽ trở thành một cái mền hình vuông có thể dùng cho 2-3 người hoặc dùng để trải lót chỗ ngủ. Điểm yếu là vì không có nón nên tạo cảm giác trống trải phía trên đầu (khi ngủ ở thiên nhiên thì cảm giác kín đáo và an toàn là khá quan trọng)

Túi ngủ chữ nhật có nón: Là dạng túi ngủ hình chữ nhật nhưng có nón ôm đầu. Đây là loại phổ biến và được ưa chuộng nhất. Điểm mạnh là tính đa năng, cơ động, rộng rãi, có thể mở bung ra làm mền hoặc lót nơi nằm, đặc biệt khi là túi ngủ thì rất kín đáo và an toàn vì bạn nằm trong và kéo dây thì chỉ còn hở một ít phần mặt (mũi), còn lại thì kín như bưng. Thiết kế này mình thấy gần như không thấy điểm yếu nào đáng kể cả.

Túi ngủ con nhộng(có nón): Loại này khá ít phổ biến ở Việt Nam vì chủ yếu thiết kế này dành cho những nơi có nhiệt độ rất thấp. Đây là loại túi ngủ có phần chân được làm tóp vào và phần thân trên nở rộng ra theo hình dáng cơ thể người, thiết kế này có điểm mạnh là ôm sát cơ thể nên giữ ấm tối đa, ngoài ra việc thiết kế như vậy cũng là để cắt giảm tối đa diện tích và tiết kiệm nguyên vật liệu qua đó giúp tối ưu được kích thước đóng gói của túi ngủ nhưng đồng thời đó cũng là điểm yếu khi bạn sẽ cảm thấy khá gò bó lúc nằm trong đó, gần như rất khó cựa quậy. Và thiết kế của loại này gần như chỉ để là túi ngủ, không mở bung ra làm mền được.

Chọn tính năng của túi ngủ

Kinh nghiệm chọn túi ngủ cho dân phượt đi dã ngoại

Chống thấm nước: Chúng ta nên lựa chọn loại túi ngủ có tính chống thấm nước ở nơi có độ ẩm cao, hoặc trường hợp ngủ lộ thiên (vd: Ngủ trên võng, ngủ ngoài lều, ngoài trời, dưới nền đất…) hoặc ở nơi nhiệt độ thấp. Vì lớp vải ngoài có đặc tính chống thấm nước nên sẽ gây ra cảm giác khá bí nếu chúng ta sử dụng ở nơi nhiệt độ cao, khô hanh. Có một số người nhầm lẫn là cứ nghĩ túi ngủ chống thấm nước có thể ngủ ngoài trời mưa, không phải như vậy, dù là loại túi ngủ nào đi chăng nữa thì cũng không có khả năng đó, tính chống thấm của túi ngủ chỉ đối phó được với nơi độ ẩm cao, mặt đất ẩm và sương đêm thôi các bạn nhé.

Không chống thấm: Đây là loại túi ngủ với tính năng cơ bản, tốt nhất khi sử dụng chung với lều thì sẽ phát huy được thế mạnh là thông thoáng, dễ chịu. Nếu bạn muốn sử dụng loại này lộ thiên thì cần đảm bảo nơi sử dụng không có sương đêm nặng hạt, độ ẩm không quá cao và không quá lạnh, nơi trải túi ngủ phải thật khô ráo.

Chỉ số nhiệt độ

Hãy chọn một chiếc túi được đánh giá chỉ số nhiệt độ ở mức có thể sử dụng trong điều kiện nhiệt độ thấp nhất mà bạn dự tính phải đối mặt. Chỉ số nhiệt độ đôi khi nằm ngay trong tên sản phẩm, ví dụ túi ngủ Marmot Plasma 15 (được đánh giá nhiệt độ ở mức +15°F / -9°C). Nhờ vào tiêu chuẩn Châu Âu (European Norm – EN), sẽ được mô tả phía sau, mà chỉ số nhiệt độ này trở thành một thước đo đáng tin cậy.

Trọng lượng và độ rộng rãi

Khi đi du lịch dã ngoại, bạn cần giữ cho trọng lượng hành lý ở mức thấp mà không ảnh hưởng đến sự thoải mái hay an toàn. Với một số người, trọng lượng nhẹ làm họ gạt bỏ ra ngoài những yếu tố khác như độ bền, tiện nghi, giá cả). Với một số khác thì trọng lượng không quan trọng bằng độ rộng rãi của túi ngủ, để có được một giấc ngủ ngon. Phần lớn túi đang cố đạt được sự cân bằng giữa các yếu tố này.

Loại chất liệu giữ nhiệt

Sự lựa chọn bao gồm: lông vũ, chất liệu tổng hợp, lông vũ chống thấm nước. Lõi bằng lông vũ (cả lông vịt và lông ngỗng) rất nhẹ, có thể nén, bền và thoáng khí. Mặc dù giá cao hơn nhưng chúng đem lại giá trị sử dụng lâu dài. Lõi bằng chất liệu tổng hợp vượt trội trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm ướt. Loại này nặng hơn một chút, khả năng nén kém hơn lông vũ.