Du lịch và phượt Sapa với khí hậu mát mẻ quanh năm, là điểm nghỉ mát hấp dẫn dành cho những ai yêu thiên núi rừng và muốn trải nghiệm nét hoang sơ kỳ thú vùng Tây Bắc.
Bạn hoàn toàn có thể đi du lịch phượt Sapa tự túc – điểm phượt miền Bắc được các tín đồ di chuyển vô cùng yêu thích với số tiền dưới 1.000.000VNĐ trong tay mà vẫn vui vẻ, thoải mái – có phòng ngủ, nơi tắm và được ăn ngày 3 bữa. Chỉ cần một chút kinh nghiệm và tôi rất vui lòng chia sẻ với bạn ngay trong bài viết này.
Đi phượt Sapa bằng phương tiện gì?
Bạn có thể đi phượt Sapa bằng tàu hỏa, xe máy – phương tiện di chuyển chủ yếu cho những ai ham di chuyển khám phá ba miền đất nước.
Xe máy và tàu hỏa là hai phương tiện hợp lý nếu bạn muốn tiết kiệm chi phí.
– Đi xe máy: Chọn một chiếc xe số (xe honda) chạy quãng đường 300.000 km mất khoảng 150.000VNĐ tiền xăng. Chi phí cả đi, về và chi phí xăng xe khi ở Sapa mất tổng khoảng 300.000 – 400.000 VNĐ (trung bình 350k tiền xăng). Không tính đến những trường hợp hỏng xe dọc đường… Nếu đi hai người, share tiền xăng giá quá tốt, chỉ tốn khoảng 150 – 200.000VNĐ/người.
– Đi tàu hỏa: đi tàu chi phí sẽ nhiều hơn, vé tàu Hà Nội – Lào Cai ghế cứng giá 140.000VNĐ/lượt (ngày thường) và 150.000VNĐ/lượt (ngày cuối tuần). Cộng thêm tiền 50.000 VNĐ/lượt bus từ ga Lào Cai đến Sapa. Cả tiền thuê xe máy 80.000 VNĐ/ngày và đổ xăng 60.000 VNĐ nữa thì tổng cộng tối thiểu chúng ta mất 540.000 VNĐ.
Tuy nhiên việc đi tàu hay xe máy còn tùy thuộc vào sức khỏe và kinh nghiệm của bạn. Đi xe máy chặng đường hơn 350km từ Hà Nội tới Lào Cai (hướng Lai Châu hơn 400km) là một trải nghiệm thú vị, nhưng cũng tương đối mệt mỏi với những bạn không quen. Nhưng nếu bạn đi được xe máy, thì bạn sẽ có cơ hội tận hưởng những cun đường vô cùng đẹp không chỉ ở riêng Tây Bắc, mà còn cả Việt Nam.
Đi phượt Sapa bằng xe máy
Đi xe máy là sở thích của nhiều bạn, trong đó gồm cả tôi. Có 2 đường đi Sapa là đi theo hướng Lai Châu và hướng qua Lào Cai lên Sapa.
Tuyến đường đi qua thành phố Lào Cai gần và dễ đi. Nhưng đi theo lối Lai Châu bạn sẽ được chinh phục hai trong “tứ đại đèo” huyền thoại của Tây Bắc là Khau Phạ dài 30km và Ô Quy Hồ dài hơn 50km. Không chỉ thoải mái chinh phục các con đèo, thoải mái dừng nghỉ ngơi, chụp ảnh… đi xe máy còn giúp bạn tiết kiệm nhiều chi phí cho việc di chuyển. Chuyến đi lần trước của tôi, chiếc xe wave alpha đời cũ chỉ mất khoảng 1,5 lần đổ xăng (130.000 VND) là có thể đi thoải mái quãng đường gần 400km, quá ổn phải không nào. Ý tôi là: nếu đi xa ta nên chọn loại phương tiện tiết kiệm xăng và ổn định. Nên bảo dưỡng trước chuyến đi!
Đi phượt Sapa theo hướng Lào Cai
Cách 1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sapa (Tổng đường khoảng 360km)
Cách 2: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cầu Phong Châu – Phong Châu – Đoan Hùng – dọc đường 70 – Lào Cai – Sapa (Tổng đường 370km)
Đi phượt Sapa theo hướng Lai Châu
Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Thanh Sơn – Dọc QL32 – Sapa (Tổng đường hơn 420km)
Làm thế nào để tìm khách sạn giá rẻ khi đi phượt Sapa?
Bạn đã tới được Sapa, không biết bạn chọn xe máy hay tàu hỏa nhưng việc bạn cần làm tiếp theo là tìm một chỗ nghỉ chân. Bình thường tôi vẫn giới thiệu cho bạn bè phòng giá 150 – 200.000VNĐ/đêm nhưng do tuyến đường cao tốc Hà Nội – Sapa đã khánh thành, lượng khách đến Sapa ngày một đông, số lượng phòng quá tải, không còn giá rẻ như thế nữa. Tôi chưa từng thử nhưng đoán rằng ở Sapa cách xin nghỉ nhờ trên Couchsurfing không hiệu quả ở Sapa (có vài người bạn trong miền Nam đã chia sẻ lại điều này với tôi).
Đã dành 400 – 540.000VNĐ vào chi phí đi lại, bạn cần tiền ăn và tiền mua vé vào cửa tại các địa điểm du lịch. Vậy nên, tiền phòng cần tiết kiệm nếu không sẽ vượt quá 700.000VNĐ.
Bạn nhất định phải tìm cho mình một khách sạn có phòng “dorm room” (tức là kiểu giường tầng tập thể) hoặc một phòng đôi (đi chung) để ngủ 2 hoặc 3 người chung một phòng, share tiền mới có giá rẻ.
Bạn muốn có chỗ ngủ mà không mất tiền?
Mang theo lều, túi ngủ và tấm trải cách nhiệt:
Cách này rất bụi, nhưng bạn phải đảm bảo có đầy đủ những thứ để giữ ấm, vì ban đêm ở Sapa rất lạnh. Nếu không có kinh nghiệm ngủ lều, túi ngủ bạn nên tránh ngủ theo hình thức này, hoặc chỉ ngủ vào mùa nhiệt độ không quá thấp.
Chỗ ngủ thì bạn có thể dự ngay tại trung tâm thị trấn, hoặc tìm một bãi đất trống nào đó quanh thị trấn. An ninh ở Sapa đảm bảo nên không lo. Buổi sáng có thể tìm hàng ăn sáng và vào nhà vệ sinh đánh răng rửa mặt nhờ.
Kết hợp để đi từ thiện:
bạn có thể xin một ít quần áo hay sách vở, đến một bản nào đấy xa trung tâm thị trấn (nơi khách du lịch không hay lui tới) để chơi và tặng cho các em nhỏ ở đấy, rồi vào nhà trưởng bản xin ngủ nhờ. Xin ngủ nhờ là một trải nghiệm vô cùng thú vị, bạn có cơ hội được sống trong nhà người bản địa, tìm hiểu về văn hóa của họ.
Người dân tộc rất hiếu khách. Trong nhà trưởng bản thường luôn dành một chiếc giường to và sạch sẽ cho khách. Nhưng bạn vẫn nên chủ động mang theo túi ngủ đủ ấm và tấm thảm cách nhiệt để tự lo cho mình nếu như không xin được ngủ trên giường.
Ăn gì để tiết kiệm khi đi phượt Sapa?
Ăn trong chợ (30.000VNĐ/xuất) nhưng không được ngon. Các bữa sáng bạn có thể mua mỳ hộp và tự nấu bằng nước nóng trong bình nóng lạnh của khách sạn (hoặc xin khách sạn).
Bạn có 4 bữa chính và 2 bữa sáng. Bạn sẽ tiêu thêm 150.000VNĐ nữa nếu ăn cơm bình thường, còn tiết kiệm bằng cách ăn mỳ hoặc bánh mỳ thì bạn sẽ chỉ mất khoảng 70 – 100.000VNĐ cho 2 ngày ăn. (Bạn có thể xem chi tiết ở bên dưới)
Phượt Sa Pa vào thời điểm nào?
Mùa xuân:
Ở Sa Pa bạt ngàn rừng hoa đào, hoa mận, muôn hoa khoe sắc.
Du khách nên đi trong khoảng tháng 2 cho đến tháng 4 hoặc tuần đầu tháng 5 là đẹp nhất.
Mùa lúa:
Ở Sa Pa chỉ có một vụ 6 tháng, gieo mạ vào khoảng đầu tháng 5. Lúa xanh cao thì tầm khoảng tháng 7-9, lúa chín vàng thì tầm tháng 10-12.
Nếu các bạn muốn đi nghỉ mát kết hợp với ngắm lúa thì nên đến tầm tháng 7-9. Nếu đến tầm tháng 10-12 thì có thể thời tiết đã chuyển sang se se lạnh, rét và có sương mù. Vào các khoảng thời gian này là mùa nước nên thác sẽ chảy mạnh, rất hùng vỹ.
Mùa đông:
Mùa đông ở Sa Pa rất lạnh. Những năm gần đây thời tiết khắc nghiệt nên đều có tuyết. Tuyết rơi trắng xóa mọi sinh vật, nhà cửa, thậm chí có thể dày tới nửa mét. Không xác định được chính xác ngày tuyết rơi nên bạn phải theo dõi liên tục qua liên lạc với người dân trên đó (hoặc có thể là khách sạn bạn dự định ở), qua báo đài, TV.