Khamphabamien.com– Bánh Pía có màu vàng cam, bẻ đôi bên trong là màu đỏ của lòng đỏ trứng muối, dậy vị thơm nồng sầu riêng, bùi bùi khoai môn hay thơm thảo đậu xanh…
Du khách đến Sóc Trăng sẽ có dịp nhìn thấy những chiếc bánh đẹp mắt và thơm ngon trên dọc các con đường của tỉnh. Đó là bánh pía, loại bánh đặc sắc với vị ngọt thanh và hương thơm nguyên chất của trái sầu riêng. Nó chính đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ.
Bánh Pía có 2 phần là da bánh và nhân bánh. Mỗi chiếc bánh có rất nhiều lớp da, từ 7-8 lớp. Da bánh cũng có cấu trúc hai lớp, một lớp làm từ “bột dầu” (hay còn gọi là bột ruột) và một lớp làm từ bột nước (bột vỏ). Bột dầu sau đó được đem trộn với mỡ (hoặc dầu ăn) theo tỉ lệ 2 bột 1 mỡ. Sau đó được vê tròn định lượng cho vừa một chiếc bánh mà người làm bánh gọi là “mắt mèo”. Bột nước là hỗn hợp của bột mì, đường, một ít mỡ (dầu), bột nổi được nhồi thành bột và chia ra từng phần vừa đủ cho từng chiếc bánh, được cán dẹp ra rồi đặt viên “mắt mèo” vào giữa.
Tiếp theo đó là một chuỗi thao tác lặp đi lặp lại nhiều lần từ cán mỏng, cuộn tròn, ấn dẹp, gấp làm ba, mà dân trong nghề gọi là “cuộn sò”. Thao tác này sẽ tạo ra một tấm bột có cả trăm lớp bột nước và bột dầu chồng lên nhau. Lớp bột dầu này sẽ ngăn các lớp bột nước dính vào nhau trong lúc nướng bánh. Tấm da bánh sau đó sẽ được dùng bao lại nhân bánh rồi đem đi nướng. Nướng bánh cũng là một nghệ thuật bởi nếu quá nóng hay không đủ nóng sẽ làm hư bánh. Khi vỏ bánh chuyển sang màu vàng ươm, dậy hương cũng là lúc mẻ bánh hoàn chỉnh, cho ra lò những chiếc bánh Pía ngọt bùi béo rất hấp dẫn.
Còn nhân bánh chủ yếu có hai loại là nhân đậu xanh và nhân khoai môn. Nếu dùng đậu xanh làm nhân thì đậu phải được lựa chọn kỹ lưỡng, hạt đậu no tròn, căng bóng, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi đem ngâm đãi bỏ vỏ; còn khoai môn thì củ phải no, không bị dập, hư cũng được gọt sạch vỏ. Sau đó mang đi hấp chín rồi được xay nhuyễn. Sầu riêng phải là sầu riêng tươi, có mùi đặc trưng. Tiếp đó, được xào với đường, sầu riêng và mỡ (hoặc dầu ăn nếu là bánh chay). Khi xào phải nhỏ lửa sao cho hỗn hợp này dẻo vừa đủ chín và lên mùi thơm. Như vậy là đã hoàn thành nguyên liệu để làm nhân bánh. Trong mỗi cục nhân là một cái lòng đỏ trứng vịt muối. Bao quanh hột vịt muối là một lớp hỗn hợp mứt bí đao, mỡ heo, đậu xanh, sầu riêng, bột gạo nếp mà người trong nghề gọi là lá. Bao quanh lớp lá này sẽ là hỗn hợp nhân bánh.
Được kết hợp hài hòa từ các nguyên liệu khác nhau, bánh pía Sóc Trăng đem lại cho thực khách một cảm giác rất đặc biệt: sự mềm, dẻo của lớp vỏ bánh; vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối… Bánh pía Sóc Trăng có độ ngọt vừa phải và không quá béo, khiến thực khách không cảm thấy ngán.
Bánh pía Sóc Trăng giờ đây đã trở thành một món bánh nổi tiếng trong nền ẩm thực của Việt Nam. Du khách nào ghé qua vùng này cũng không thể quên đem những hộp bánh pía về làm quà cho người thân, như đem theo hương vị ngọt ngào của tâm hồn người miền Tây Nam Bộ gửi gắm trong từng chiếc bánh.